“Người xứng đáng với tấm huy chương này nhất chính là mẹ. Nếu không phải là con của mẹ, chắc chắn em sẽ không làm được những điều như ngày hôm nay."
Đó là chia sẻ của Đinh Vũ Tùng Lâm - cậu học sinh đã giành Huy Chương Bạc tại Olympic Toán học Quốc tế 2021. Lâm là học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.
Ảnh: Đại diện lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cùng các học sinh dự thi Olympic toán học quốc tế năm 2021.
Từ cậu bé 4 tuổi mới biết nói, từng bị chẩn đoán tự kỷ dạng tăng động và rất khó khăn mới xin được vào tiểu học, Đinh Vũ Tùng Lâm đã làm nên kỳ tích với cả chục huy chương thế giới và khu vực.
Thành công của em ngày hôm nay chính là sự cộng hưởng của rất nhiều yếu tố: từ tài năng, sự nỗ lực, kiên trì, tình yêu thương đến sự tin tưởng, công nhận. Hôm nay, cả nhà hãy cùng Hoan English tìm hiểu về câu chuyện truyền cảm hứng này nhé!
Một người mẹ tần tảo, hết lòng yêu thương và tin tưởng con....
"Mẹ đã đồng hành cùng em trong suốt 18 năm qua, là người bạn cùng em đến trường. Có mẹ bên cạnh, em cảm thấy mọi thứ đều không còn đáng sợ. Em cũng hiểu rằng, sau những thành công của mình luôn là những giọt nước mắt âm thầm, sự nhẫn nại và yêu thương của mẹ" - Lâm rơi nước mắt khi nói về mẹ của mình.
Chị Hải Yến – mẹ Lâm nhớ mãi cảm giác đau đến quặn thắt khi biết con trai mình mắc phải chứng tự kỷ. Nhưng cũng như rất nhiều người mẹ có con tự kỷ khác, dù day dứt, nhưng chị biết mình càng không thể suy sụp mà phải tìm mọi cách để đồng hành cùng con.
Ảnh: Cậu học trò Đinh Vũ Tùng Lâm - Huy chương Bạc Olympic Toán Quốc Tế 2021
Phải cố gắng lắm, chị Yến mới xin được cho con vào Trường tiểu học Lê Quý Đôn. Ba năm đầu tiên gian nan vô cùng và Lâm luôn cần có mẹ để có thể quen dần với nề nếp, với những nội quy của môi trường học đường.
Chị Yến tâm sự, nhiều lần chị rơi nước mắt khi nhìn thấy con đứng giữa sân trường, xin các bạn cho cùng đá bóng, nhưng không có người bạn nào chịu chơi cùng con.
“Thế rồi, Lâm cứ ôm gốc cây khóc mãi. Lúc đó, có một sự trào dâng khiến mình quyết tâm phải đồng hành cùng con, bằng mọi giá”, chị Yến nhớ lại.
Tùng Lâm xúc động: ‘’Em nhớ như in rất nhiều lần cùng mẹ đi khám bệnh; những buổi học đánh vần chật vật; những buổi học ca dao tục ngữ mẹ dạy khi ngồi trên xe từ trường về nhà, từ nhà đến lớp học thêm; những buổi mẹ đưa em lang thang đi khắp các con phố để quan sát về làm văn miêu tả…’’
Khi tài năng thiên phú trỗi dậy…
Nhờ luôn sát sao, cận kề với con, chị Yến phát hiện ra Lâm có sở thích đặc biệt với môn Toán. Cậu bé có thể tính nhẩm rất nhanh và có khả năng ghi nhớ đặc biệt. Những thay đổi tích cực bắt đầu từ năm lớp 4, Lâm hiền hẳn và không quậy phá nữa, dù kỹ năng sống còn non nớt. Điều tuyệt vời nhất đến vào năm lớp 5, khi em bắt đầu được ghi nhận như một người học giỏi Toán với giải thưởng Violympic cấp thành phố.
Ảnh: Đinh Vũ Tùng Lâm chụp ảnh cùng Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ khi giành huy chương bạc tại kỳ thi Olimpic toán học trẻ năm 2017 tại Ấn Độ (X-IMC)
Bắt đầu từ giải thưởng Violympic cấp thành phố, Lâm dần chinh phục những đỉnh cao mới như: Huy chương Vàng cuộc thi Tìm kiếm tài năng Toán học trẻ - MYTS 2017; huy chương Vàng cuộc thi Toán Hà Nội mở rộng - HOMC 2017; huy chương Bạc cuộc thi Toán giữa các thành phố (Toán Nga); xếp hạng High distinction - cuộc thi Vô địch Toán Úc; thủ khoa Toán tuổi thơ năm 2017.
Mắc chứng tự kỷ, Lâm lớn lên trong sự tự ti trước bạn bè và cuộc sống. “Tất cả những gì các bạn biết, Lâm đều không biết. Do đó, những giải thưởng này với con đều có rất nhiều ý nghĩa”.
Và khó khăn cũng ập đến...
Năm 2020, khi còn học lớp 11, Tùng Lâm đã lọt vào đội tuyển dự thi IMO. Nhưng Lâm là người duy nhất trong đoàn không giành được huy chương. Thời điểm đó, theo chị Yến, Tùng Lâm đã phải trải qua quãng thời gian “vô cùng kinh khủng”.
“Ngay khi đi thi về, con đã sống trong cảm xúc hoảng loạn. Lúc biết kết quả, con vỡ vụn rồi bật khóc vì cho rằng, vì con mà thành tích quốc gia bị tụt. Con tự trách bản thân, sau đó xin mẹ số điện thoại của các thầy trong trường và trong đội tuyển để gọi điện cho từng thầy để xin lỗi.
Nhưng chưa bao giờ em nghĩ đến chuyện bỏ cuộc...
Năm nay, khi Tùng Lâm bày tỏ mong muốn được tiếp tục đi thi quốc tế, chị Yến thương con, không muốn Lâm đi thi nữa. Chị không đành nếu con tiếp tục đi thi và kết quả không được như mong đợi.
“Năm ngoái khi biết kết quả, con khóc khiến mẹ cũng thương đến thắt từng khúc ruột. Tâm lý của Lâm không vững, nên mình không muốn gây sức ép cho con. Nhưng con quyết tâm, hứa với mẹ rằng sẽ tự tin và vững vàng. Nếu kịch bản giống như năm ngoái xảy ra, con vẫn sẽ chấp nhận”.
Lâm cho biết năm nay em đi thi với tâm trạng vô cùng thoải mái. Mục tiêu của em đơn giản chỉ là được giải những bài toán hay trong đề thi, chứ không phải là tấm huy chương.
"Đối thủ duy nhất của em lúc ấy, không phải các bạn, mà chính là các bài toán”.
Kết quả, Tùng Lâm giành được tấm Huy chương Bạc và người có điểm số cao thứ 2 của đoàn Việt Nam. Nhận được kết quả của con, chị Yến cũng rơi nước mắt vì thương.
Ảnh: Kết quả dự thi Olympic Toán quốc tế của đội tuyển Việt Nam.
“Một đứa trẻ như con, để đi học đội tuyển đã phải đánh đổi rất nhiều. Kết quả này, với gia đình là điều quá đỗi hạnh phúc. Còn với Lâm, đây là món quà ý nghĩa không có gì bằng”.
Sự đồng hành của những người thầy có tâm và có tầm...
Là người đã đồng hành cùng Tùng Lâm từ khi còn học lớp 10, thầy giáo Nguyễn Vũ Lương - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên đánh giá, Lâm là một học sinh có năng khiếu đặc biệt về môn Toán và có “sức công phá” rất lớn.
“Chữ Lâm rất xấu, có những khi đọc bài giải của con, mãi các thầy mới hiểu. Cho nên, nếu không quan sát kỹ càng, các thầy có thể sẽ bỏ sót tài năng của Lâm.''
Cuối mỗi buổi dạy đội tuyển, thầy Lương luôn phát đáp án để học sinh tự chấm bài mình trước khi thầy công bố người đạt điểm cao nhất. Sau khi công bố điểm, chính thầy Lương cũng phải ngồi chấm lại bài của từng học trò.
“Lâm luôn tự chấm bài mình rất sát và tự đánh giá được mình thiếu gì. Đôi khi thầy có thể chấm cho Lâm hơi cao quá, chắc chắn con sẽ “đấu tranh” để được chấm đúng. Con là một cậu bé vô cùng trung thực”.
“Những đứa trẻ như thế, quan trọng người thầy phải tin vào chúng. Năm ngoái, khi đi thi không đoạt giải, Lâm đã gọi điện xin lỗi các thầy. Tôi nói với con rằng: “Không việc gì phải khóc, con về học tiếp đi”.
‘’Thực tế, khi làm Toán, ngay chính chúng tôi trước đây, không phải cứ giải là sẽ ra. Tôi nghĩ rằng, giá trị của học trò không nằm ở tấm huy chương, bởi một kỳ thi không thể đánh giá được cả chặng đường dài. Điều quan trọng, các con phải kiên trì và biết đứng dậy sau thất bại. Đó mới là điều giá trị hơn cả”. Thầy của Lâm chia sẻ
Ảnh: Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên Hà Nội
Và giấc mơ làm điều có ích cho đời…
Hạnh phúc lớn nhất của một người mẹ không chỉ là thành tích mà còn bởi Lâm đã không còn cảm giác cô độc. Lâm giờ đây hòa đồng, được các bạn yêu thương gọi là "học giỏi nhất lớp", là "từ điển Toán học", là cán sự môn Toán để giúp đỡ các bạn...
Chị Yến nói, từ lớp 9, Lâm luôn chỉ ước mơ sẽ trở thành một thầy giáo dạy Toán và được nghiên cứu về Toán. Điều đó khiến chị Yến phần nào nhẹ nhõm hơn. Chị nghĩ, đây là nghề “thuần” và hợp với con nhất.
“Mình tin rằng, nếu Lâm trở thành một thầy giáo, con sẽ giúp ích được cho rất nhiều người, bằng cái tâm trong sáng của chính con”.
Kết lại câu chuyện, có thể thấy được môi trường tác động đến sự hình thành và phát triển của mỗi đứa trẻ như thế nào. Tùng Lâm tuy kém may mắn hơn các bạn cùng trang lứa, nhưng bù lại em luôn có những người cha, người mẹ, người thầy yêu thương và tin tưởng em hết lòng.
Giá trị của giáo dục, theo Hoan English, không chỉ nằm ở việc truyền đạt những tri thức trong sách vở; mà còn nằm ở khả năng truyền cảm hứng, động lực cho mỗi đứa trẻ để chúng lớn lên mạnh mẽ nhất, rực rỡ nhất trước mọi khó khăn của cuộc sống.