Làm sao để con tự giác học luôn là nỗi đau đầu của tất cả bậc cha mẹ. Hôm nay, hãy để HOAN ENGLISH san sẻ nỗi lo với bố mẹ bằng cách gợi ý cho bố mẹ 10 phương pháp giúp con tự giác học hơn nhé!
1.Giúp con hiểu học tập là trách nhiệm của bản thân
Nhiều cha mẹ thường có thói quen nhắc con học bài hoặc thậm chí là ép thúc con học bài. Ban đầu có thể là cách làm hiệu quả để con nhớ tự giác học, nhưng lâu dần điều này vô tình khiến con cảm thấy việc học là việc của bố mẹ, là việc bố mẹ ‘’nhờ’’ con làm chứ không phải việc của con. Theo thời gian, nếu con không hiểu rõ được học tập là trách nhiệm của bản thân mỗi người, con sẽ sinh ra tính ỉ lại, hạn chế chủ động không chỉ trong học tập mà còn các hoạt động cá nhân khác.
Xem thêm: https://www.youtube.com/watch?v=E0JBnUyLvY0
2. Tạo nếp kỷ luật ngay từ nhỏ
Kỷ luật là yếu tố then chốt để thành công. Muốn rèn con tự giác học, bố mẹ cần tạo kỉ luật chặt chẽ với con trẻ bằng cách thiết lập thời gian biểu rõ ràng. Khi mới bắt đầu học tập, bố mẹ sẽ hướng dẫn con tạo thời gian biểu – nhắc con định kì các đầu việc quan trọng. Khi con đã bắt đầu quen với thói quen kỉ luật giờ giấc, thì chính con là người lên thời gian biểu khoa học cho bản thân. Bố mẹ sẽ theo dõi, hướng dẫn và định hướng các phương pháp học tập đúng đắn để con thực hiện.
3. Tuyệt đối không bênh con
Cha mẹ luôn yêu thương con và không ít ba mẹ bênh con, bao bọc con “từ nhà ra đường”, sẵn sàng xù lông nhím nếu ai đó nói điều không hay hoặc tác động tới con. Chưa kể, khi con làm sai bố mẹ có thể nghĩ luôn đó là lý do yếu tố bên ngoài mà không phải xuất phát từ con mình.
Ví dụ, nhiều bạn được tạo điều kiện học hành rất nhiều, nhưng kết quả học tập vẫn lẹt đẹt. Bố mẹ có thể nghĩ ngay đó là do giáo viên dạy không tốt, không sát sao, lớp học không phù hợp, v.v.v… nhưng không nhìn nhận lại con mình đầu tiên để có giải pháp triệt để, từ đó giúp con tự giác học hơn.
Ngoài ra, nhiều con khi bị cô giáo nhắc nhở, bố mẹ cảm thấy không hài lòng. Nhưng một đứa trẻ khi đã quen với việc được bố mẹ bảo bọc thì sau này ra đời sẽ trở nên rất yếu đuối và dễ gục ngã trước khó khăn bởi vì sau này ra đời, sẽ còn vô khối người” trù dập” con. Bố mẹ thông thái hãy để con có sức đề kháng về việc này và biết cách xử trí nhưng tuyệt đối không bênh con. Tuy nhiên, vẫn nên chú ý không để con bị giáo viên trù dập từ nhỏ vì điều này sẽ gây tổn thương tâm lý nặng cho đứa trẻ.
4. Không so sánh con với ‘’con nhà người ta’’
Đặc biệt là với những người bạn đồng trang lứa của con. Con là con, con tuy vẫn còn những điểm chưa tốt nhưng cũng có những ưu điểm của riêng mình. Việc so sánh như vậy sẽ khiến đứa trẻ có suy nghĩ ‘’À thì ra mình tệ lắm...’’ và mất đi động lực phấn đấu. Thậm chí, con sẽ cảm thấy tự ti trước bạn bè, trở nên cô đơn trong lớp - thử hỏi như vậy thì làm sao con có thể học tốt được? Trẻ con rất mong manh nên cha mẹ cần cẩn thận trong việc giao tiếp với con, không để con cảm thấy tổn thương.
5. Không thưởng vô lý
Tôi đã từng đọc một bài viết kể về cách bố mẹ ‘’động viên’’ con làm việc nhà bằng cách thưởng tiền. Ví dụ: con lau nhà thì được bố mẹ cho 5 nghìn, con rửa bát được 10 nghìn… Bên dưới phần bình luận là vô vàn lời tán thưởng, cho rằng kế sách này thật ‘’thông minh’’.
Thông minh thật không? Tôi cho là không. Nhưng thật sự hiệu quả thì có, nhưng chỉ trong ‘’ngắn hạn’’. Đứa trẻ ban đầu sẽ hăng hái học tập hơn hẳn để nhận được nhiều tiền, nhưng dần dần nó sẽ có suy nghĩ là học là để được thưởng, tức là cái đích nó hướng đến là tiền chứ không phải là kiến thức cho bản thân nó.
Vì vậy, gieo cho trẻ suy nghĩ tích cực, học tập chủ động, thưởng không phải là yếu tố chính để học mà chỉ là sư khích lệ cho con khi đạt được thành tích thực sự xứng đáng.
6. Hãy khen khi con tiến bộ
Con người ai cũng cần động lực. Bố mẹ thông thái cần biết cách tạo động lực cho con.
Nhiều bố mẹ có thói quen chỉ khen con khi con đạt điểm tốt. Tuy nhiên, khả năng học tập của mỗi đứa trẻ là khác nhau, một đứa trẻ có thể học không giỏi lắm nhưng sẽ giỏi ở những mảng khác. Nên thay vào đó, bố mẹ hãy dành cho con những lời cổ vũ, động viên mỗi khi con có tiến bộ hơn so với ngày hôm qua.
Điều bố mẹ cần làm là tạo cho con thói quen luôn cố gắng nỗ lực phấn đấu cải thiện bản thân mỗi ngày chữ không phải chỉ khen khi con đạt được cái gọi là ‘’chuẩn’’ của bố mẹ.Nói ví von thì giống như một vận động viên bơi lội, khi anh ta đoạt huy chương thì anh ta sẽ dành lời cảm ơn những người đã động viên anh ta trong cả quá trình, chứ không phải những người ‘’vồ vập’’ chúc mừng khi anh ta thành công rồi.
7. Hãy học cùng trẻ
Trẻ con có xu hướng bắt chước những gì bố mẹ làm. Vì thế nên khi trẻ học mà bố mẹ ngồi lướt điện thoại, nó sẽ tự hỏi ‘’Tại sao con học mà bố mẹ không học?’’ và cảm thấy việc học như là một việc ‘’làm thêm’’ của nó. Bố mẹ thông thái hãy học cùng con: bố mẹ có thể học một ngôn ngữ mới, đọc thêm kiến thức chuyên ngành hoặc nghiên cứu về những phương pháp dạy con tốt.
Khi thấy bố mẹ cũng thích học thì dần dần con cũng sẽ thích học hơn và tự giác học hơn. Bố mẹ cũng không mất thời gian nhắc con học nữa mà thay vào đó sẽ có cơ hội tiếp thu thêm những kiến thức mới để mọi việc xung quanh thuận lợi hơn.
8. Hãy Cho con được sai
Con làm bài bị điểm kém, bố mẹ nên làm gì? Thay vì trách phạt con như phần lớn bố mẹ hay làm thì hãy hỏi con tại sao. Có thể do hôm đó bé mệt nên làm bài chưa được tốt, hoặc do con chưa ôn kỹ phần này. Việc hỏi con sẽ giúp bố mẹ tìm ra được nguyên nhân vấn đề và hỗ trợ con xử lý để ngày càng tiến bộ và có tinh thần tự giác học hơn thay vì chỉ trách phạt khiến con sợ hãi và càng xa lánh bố mẹ. Khi việc học tập suôn sẻ, được cô khen và bạn bè ngưỡng mộ, trẻ cũng nhất định sẽ thích học hơn nhiều đấy!
9. Đừng dạy con học
Nhiều bố mẹ có thói quen dạy con học mỗi tối xuất phát từ tâm lý lo lắng rằng nếu tự học thì con sẽ không hiểu được nhưng điều này sẽ dẫn đến tác dụng ngược: Trẻ không chịu tự đào sâu suy nghĩ khi nghe giảng trên lớp mà chỉ đợi bố mẹ về giảng lại cho. Điều này là vô cùng nguy hiểm bởi vì khi càng lên lớp cao hơn thì kiến thức càng khó hơn, đòi hỏi trẻ phải tự mày mò tìm hiểu chứ bố mẹ không thể có thời gian hướng dẫn mãi được.
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng không có nghiệp vụ sư phạm như thầy cô ở trường nên không thể đảm bảo truyền đạt kiến thức tốt cho con được. Nên bố mẹ hãy yên tâm giao nhiệm vụ dạy con học cho thầy cô giáo nhé!
Thay vì dạy học, bố mẹ hãy định hướng học tập cho con và đồng hành cùng con để chính con sẽ là những đạt được những mục tiêu của bản thân.
10. Tạo cho con môi trường học tập có thầy hiền – bạn tốt – sách hay
Đây được coi là báu vật của mỗi con người. Khi con tìm được người thầy khơi gợi cảm hứng học tập, có những người bạn đồng hành cùng con, tạo động lực mỗi ngày và đặc biệt những cuốn sách giá trị làm thay đổi tư duy của người đọc. Khi con được nuôi dưỡng liên tục trong môi trường như vậy, chắc chắn con cái sẽ trở nên độc lập hơn và luôn tự giác cho mọi hoạt động cá nhân.
Xem thêm: https://www.youtube.com/watch?v=E0JBnUyLvY0